Trẻ sơ sinh bị nấc (hay còn gọi là nấc cụt) là hiện tượng sinh lý thường gặp và là phản xạ tự nhiên của trẻ. Mặc dù không gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe của trẻ nhưng những cơn nấc kéo dài sẽ làm cho trẻ thấy khó chịu. Hãy cùng Meiji tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý nấc cho trẻ một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất nhé.
Trẻ sơ sinh bị nấc có nguy hiểm không?
Thông thường, tình trạng nấc của trẻ sơ sinh chỉ diễn ra trong vài phút nên ba mẹ đừng nên lo lắng quá.
Tuy nhiên, một vài trường hợp trẻ bị nấc ba mẹ có thể lưu ý khi có các dấu hiệu kèm theo như ho, có đờm, khó chịu và khóc, co người, đặc biệt là trong và sau khi bú. Ba mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để các bác sĩ chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Xem thêm: Nhận biết trẻ ho có đờm và phương pháp giúp trẻ giảm nhẹ cơn ho tại nhà hiệu quả nhất
Những nguyên nhân chính khiến trẻ sơ sinh bị nấc
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị nấc ở trẻ sơ sinh, thường gặp nhất là một số nguyên nhân chính sau đây:
Trẻ bị nấc do bú nhiều (quá no), bú nhanh hay nuốt quá nhiều khí vào bụng khi bú
Đối với trẻ bú bình, trong khi bú trẻ nuốt quá nhiều không khí, có thể do bú không đúng cách hoặc sử dụng núm ti, bình sữa không phù hợp với độ tuổi của trẻ. Việc nuốt nhiều không khí hoặc bú quá no có thể khiến trẻ bị nấc.
Xem thêm: Cách cho bé bú đúng tránh sặc sữa mẹ cần biết
Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng những thành phần có trong dạ dày như không khí, thức ăn, dịch dạ dày,… đi ngược vào thực quản của trẻ.
Trào ngược thường gây trớ ít sữa ra miệng, hoặc kèm theo tiếng ợ. Tình trạng này thường xảy ra trong khi bú hoặc sớm sau khi bú.
Trào ngược dạ dày cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nấc
Một số cách xử lý giúp trẻ sơ sinh hết nấc ba mẹ có thể áp dụng rất hiệu quả
Cho trẻ ợ hơi bằng cách vỗ nhẹ lưng hoặc vai: Nếu trẻ bị nấc khi đang bú, mẹ có thể cho trẻ tạm ngừng bú, sau đó vỗ nhẹ lên lưng cho trẻ ợ hơi, thực hiện nhẹ nhàng trẻ sẽ tự động hết nấc.
Vỗ nhẹ lưng đều đặn, nhẹ nhàng để giúp trẻ có thể ợ hơi, hết nấc
- Đánh lạc hướng trẻ: Ba mẹ có thể chơi với trẻ và đánh lạc hướng tập trung của trẻ để trẻ tạm quên đi cơn nấc. Tuy nhiên ba mẹ lưu ý đừng nên đánh lạc hướng trẻ bằng cách làm trẻ giật mình hay dọa trẻ nhé.
- Để cho trẻ tự hết: Như đã nhắc đến ở đầu bài viết, cơn nấc ở trẻ sơ sinh thường sẽ hết sau một thời gian ngắn, nếu mẹ cảm thấy cơn nấc không ảnh hưởng gì đến trẻ thì mẹ hãy để cơ thể trẻ tự điều chỉnh
Mách mẹ một số biện pháp có thể ngăn ngừa trẻ sơ sinh bị nấc
- Chia nhỏ khẩu phần ăn: điều này sẽ làm cho trẻ không bị quá no và sẽ hạn chế được tình trạng bị nấc.
- Giữ cho trẻ bình tĩnh khi ăn.
- Mẹ hãy chú ý cho trẻ bú đúng cách, vỗ ợ hơi sau mỗi lần bú. Nếu trẻ bú bình, hãy chọn núm ti hoặc bình sữa phù hợp, có van chống sặc và chống đầy hơi.
- Giữ tư thế thẳng đứng khoảng 20- 30 phút sau khi ăn, tránh để trẻ vận động mạnh, cười đùa quá mức sau khi ăn hoặc bú.
Trường hợp nào ba mẹ nên cho trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám
- Ba mẹ hãy đưa trẻ đi khám trong những trường hợp sau đây:
- Khi trẻ có triệu chứng bị trào ngược dạ dày thực quản kèm theo các dấu hiệu như ho, có đờm, khó chịu và khóc, co người, đặc biệt là trong và sau khi bú.
- Khi trẻ bị nấc thường xuyên trong khi ngủ hoặc khi bú, cơn nấc kéo dài nhiều giờ liền hoặc nhiều ngày.
Hy vọng với bài viết trên, ba mẹ có thể hoàn toàn tự tin trong việc xử lý khi trẻ sơ sinh bị nấc. Đồng thời bổ sung thêm phần kiến thức trong cẩm nang nuôi dạy con của mình nhé.
Xem thêm: Giải đáp tình trạng nấc cụt ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân và cách phòng tránh