Khủng hoảng tuổi lên 2 (tiếng Anh gọi là “Terrible Twos”) là giai đoạn phát triển tự nhiên và hết sức bình thường ở trẻ, thuật ngữ này được dùng để mô tả những thay đổi trong hành vi và tâm lý mà cha mẹ thường quan sát được ở trẻ lên 2.
Để hiểu rõ thêm về tâm lý của trẻ, tìm cách xử lý và chuẩn bị kiến thức để cùng con bước qua giai đoạn này thật dễ dàng, ba mẹ hãy cùng Meiji theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?
Giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển mạnh về cả thể chất và trí não, trong giai đoạn này trẻ luôn muốn làm theo ý mình, theo cách thức của riêng mình và không muốn phụ thuộc.
Khi lên 2 tuổi, trẻ bắt đầu trải qua những thay đổi lớn về vận động, trí tuệ, và cảm xúc. Bố mẹ sẽ cảm thấy choáng ngợp và không bắt kịp tâm trạng và hành động của con.
Khủng hoảng tuổi lên 2 được đánh dấu bằng những cơn giận dữ thường xuyên của trẻ. Trẻ bướng bỉnh hơn, có những hành vi mang tính thách thức muốn mọi thứ theo ý của mình và sẽ bày tỏ sự cáu gắt nếu có điều gì không theo ý trẻ.
Trẻ có biểu hiện “ăn vạ”, nói “không” với hầu hết các yêu cầu của cha mẹ và thậm chí có xu hướng “bạo lực” như cào cấu, cắn…
Hiểu rõ đặc điểm tâm lý của trẻ trong giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi
Mong muốn thể hiện bản thân
Trẻ bắt đầu thích đi nhiều hơn trên nền nhà đang lau, mặc cho bố mẹ có la mắng vì muốn thể hiện rằng mình có thể đi được trên nền nhà ướt mà không bị té u đầu như bố mẹ đã nói.
Ý thức học hỏi và khám phá
Trẻ bắt đầu tò mò về những thứ xung quanh nhiều hơn, ví dụ như trẻ thích mày mò một món đồ chơi nào đó cho đến khi chúng rối tung lên.
Độc lập
Trẻ bắt đầu có mong muốn làm mọi thứ theo ý mình như việc chọn quần áo cho mình, mang đôi dép hình chiếc xe hay đội mũ có hình con vật trẻ thích.
Thích bắt chước người khác
Trẻ bắt đầu học theo những hành động của cha mẹ, đòi ăn những thức ăn của người lớn và bắt chước nhái giọng lại.
Trẻ bướng bỉnh và không nghe lời
Dù chỉ là chiếc ghế ngồi ăn hay nằm trên giường, trẻ cũng sẽ phát triển ý thức nhạy về “lãnh thổ” của mình và sẵn sàng chiến đấu với bất kì ai hay một đứa trẻ khác có ý định đụng chạm vào.
Một số dấu hiệu và hành vi nhận biết trẻ đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2
- Trẻ bộc lộ cảm xúc một cách dữ dội, hay cáu giận.
- Tỏ vẻ khó chịu khi thấy ba mẹ hoặc người lớn không hiểu ý mình
- Trẻ thường xuyên nói “KHÔNG” với bố mẹ.
- Thích tự làm mọi thứ theo cách riêng của trẻ.
- Tranh giành “lãnh thổ” với các bé khác.
- Trẻ hay khóc đêm và không chịu ngủ
- Trẻ biếng ăn, không chịu ăn.
- Trẻ thường xuyên ném đồ đạc.
- Tức giận một cách vô cớ với bố mẹ.
- Trẻ khó kiểm soát cảm xúc của bản thân nhiều trường hợp còn cắn, cấu, đá…
Thời gian bắt đầu khi nào? Và kéo dài trong bao lâu?
Bố mẹ không nên xác định khủng hoảng tuổi lên 2 ở trẻ bắt đầu chính xác vào lúc trẻ lên 2 mà có thể trẻ sẽ bắt đầu sớm hơn. Trẻ có thể bắt đầu khủng hoảng tâm lý vào tháng thứ 18 và quá trình khủng hoảng có thể kéo dài tới cuối tháng thứ 30.
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ 20% ở trẻ 2 tuổi mỗi ngày sẽ có những cơn khó chịu của mình nhưng những điều này chỉ còn 10% khi trẻ 4 tuổi.
Tuy nhiên, bố mẹ không phải quá lo vì không phải trẻ nào cũng trải qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2, vẫn có một số ít những trẻ không phải trải qua giai đoạn này.
Khủng hoảng tuổi lên 2 phải làm sao? Bí quyết giúp bố mẹ đồng hành cùng con thật dễ dàng
Đầu tiên, bố mẹ hãy luôn giữ bình tĩnh nhé bởi vì bố mẹ chính là tấm gương của con trẻ. Bố mẹ cố gắng tìm nguyên nhân bằng cách quan sát các hành động, lời nói của con. Hãy thường xuyên lắng nghe, tâm sự và trò chuyện cùng trẻ.
Tuy nhiên bố mẹ cũng không nên thỏa hiệp hoặc chiều theo tất cả ý thích, mong muốn của trẻ. Nếu bố mẹ thường xuyên chiều theo sẽ khiến trẻ tiếp tục những hành vi biểu hiện đó.
Hãy thường xuyên lắng nghe, tâm sự và trò chuyện cùng trẻ.
Khi trẻ ăn vạ, khóc bố mẹ có thể phân tích và tương tác để đánh lạc hướng trẻ.
Bố mẹ nên tôn trọng trẻ không áp đặt những điều mà trẻ không thích. Bố mẹ khuyến khích con làm theo yêu cầu của mình chứ không nên áp đặt.
Cho phép trẻ tự do lựa chọn những điều mình thích nhưng trong khuôn khổ cho phép như việc chọn quần áo trong số quần áo ba mẹ đã chọn cho trẻ.
Bố mẹ giúp con phát triển ngôn ngữ để trẻ có thể bộc lộ được điều mà trẻ mong muốn. Giúp trẻ thể hiện những cảm xúc khác nhau và dạy trẻ cách kiểm soát cảm xúc cũng như cách bình tĩnh với những cảm xúc mạnh.
Để trẻ suy nghĩ, khuyến khích sự độc lập của con.
Cần phải có những hình phạt cần thiết khi trẻ lặp đi lặp lại những thói quen xấu.
Bố mẹ không lên lịch đi chơi vào những thời điểm mà bố mẹ biết trẻ có khả năng tức giận nhiều nhất.
Ngoài ra trẻ sẽ dễ quấy khóc nếu mệt hoặc đói. Do đó bố mẹ cần duy trì thời gian sinh hoạt và ăn uống đúng giờ của trẻ.
2 tuổi là giai đoạn phát triển “vàng” các kỹ năng cũng như trí tuệ và cảm xúc của trẻ. Vì vậy, bố mẹ hãy bình tĩnh, cố gắng nắm bắt được tâm lý trẻ và kiên nhẫn giúp con vượt qua được khủng hoảng này để con phát triển một cách tốt nhất nhé.