Khi nào thai đạp và cách theo dõi cử động thai nhi
Làm mẹ là một thiên chức tuyệt vời đối với mỗi người phụ nữ, mẹ và trẻ được gắn kết với nhau ngay từ khi phôi thai làm tổ, rồi định hình trong bụng mẹ.
Làm mẹ là một thiên chức tuyệt vời đối với mỗi người phụ nữ, mẹ và trẻ được gắn kết với nhau ngay từ khi phôi thai làm tổ, rồi định hình trong bụng mẹ.
Đặc biệt hơn nữa, thiên chức này sẽ được mẹ cảm nhận rất rõ khi thai nhi cử động lần đầu tiên. Việc khi nào thai đạp và cách theo dõi cử động thai nhi trong bụng luôn là một điều đầy hào hứng và thích thú đối với mỗi cặp bố mẹ trong hành trình chào đón con yêu.
Cảm nhận về cử động của thai nhi là trải nghiệm đầu tiên của thai phụ về sự có mặt của một cơ thể khác đang phát triển từng ngày trong chính cơ thể mình. Những cử động của thai nhi mà mẹ có thể cảm nhận được bao gồm: xoay, đạp, cuộn tròn,… Biểu hiện này cho thấy tình trạng hoạt động bình thường của hệ thần kinh trung ương cũng như hệ cơ – xương – khớp của trẻ. Các cử động này thường diễn ra đều đặn, xen kẽ đó là khoảng thời gian ngủ hay nghỉ ngơi của thai nhi.
Việc theo dõi cử động thai giúp mẹ theo dõi được tình trạng của thai nhi, từ đó, phát hiện kịp thời các bất thường. Các can thiệp y khoa tiến hành sau đó nhờ vậy sẽ hiệu quả hơn. Ngoài ra, theo dõi cử động thai góp phần giúp mẹ bớt lo lắng, căng thẳng hơn, nhất là trong những thai kỳ nguy cơ cao. Mẹ cũng lưu ý bổ sung các thực phẩm giàu DHA để thai nhi phát triển tốt hơn.
Mẹ cần tìm hiểu khi nào thai đạp, để có thể biết và theo dõi thật sát sao về tình trạng thai trong bụng của mình. Khoảng thời gian mẹ bắt đầu cảm nhận được những cử động này của thai nhi là khác nhau. Đối với thai phụ lần đầu mang thai, thời điểm bắt đầu cảm nhận được thai máy là khoảng 18 – 20 tuần, với thai phụ mang thai từ con thứ 2 thì sớm hơn, 16 – 18 tuần, tức khoảng giai đoạn bầu tháng thứ 4.
Mẹ cảm nhận được rõ ràng nhất cử động của thai nhi ở thời điểm sau tuần 28 của thai kỳ. Từ khi bước vào 3 tháng cuối thai kỳ, thai phụ có thể cảm thấy thai cử động ít hơn trước, nhưng thực chất, theo diễn tiến bình thường của thai kỳ, cử động của thai nhi đang dần trở nên có “tổ chức” hơn và đi vào ổn định; mỗi cử động tuy chậm hơn nhưng cường độ mạnh và rõ ràng hơn.
Khi thai nhi trong trạng thái bị đe dọa, cử động của thai sẽ giảm xuống, mục đích nhằm giảm tiêu thụ oxy và giảm tiêu hao năng lượng. Tuy nhiên, cử động thai nhi không chỉ phụ thuộc vào những thay đổi bất thường bên trong cơ thể mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: trạng thái ngủ của thai nhi, lượng nước ối, vị trí nhau bám (giảm khi bánh nhau ở mặt trước), tư thế (cử động thai ở tư thế đứng hay ngồi ít hơn khi ở tư thế nằm), mẹ uống rượu, hút thuốc hay có sử dụng các loại thuốc (thuốc an thần nhóm diazepam, methadone, opioid…), mẹ bị béo phì hay có thai lần đầu.
Việc dành thời gian để đếm cử động thai sẽ khuyến khích bạn nghỉ ngơi để có thời gian gắn kết với trẻ. Bắt đầu bằng việc tìm một vị trí thoải mái trong thời gian trẻ thường cử động tích cực nhất. Một số người mẹ thích ngồi ở tư thế tựa lưng và đặt tay lên bụng. Một số khác thì thích nằm nghiêng sang trái, vì tư thế này khiến họ cảm thấy thoái mái nhất và theo dõi trẻ hiệu quả nhất. Việc nằm nghiêng sang trái còn giúp cho máu lưu thông tốt nhất để trẻ hoạt động tích cực hơn.
Hiệp Hội Sản Phụ Khoa khuyến cáo bạn nên tính thời gian để cảm nhận hết 10 cú đá, cú huých, cựa quậy hoặc cuộn tròn. Lý tưởng nhất là bạn nên cảm nhận được ít nhất 10 cử động trong vòng hai giờ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cảm nhận được 10 chuyển động trong thời gian ngắn hơn.
Trước khi đếm số lần thai máy, thai phụ cần làm trống bàng quang của mình, nằm thư giãn và đặt tay lên bụng để đếm số cử động của thai nhi.
Mẹ cần biết
Theo dõi cử động thai là việc nên làm mỗi ngày của mẹ, để dễ dàng theo dõi tình trạng sức khỏe của thai nhi mà không tốn chi phí và sức lực. Nếu mẹ phát hiện bất cứ dấu hiệu nào bất thường hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra kỹ càng hơn mẹ nhé. Chúc mẹ có một thai kỳ thật khỏe mạnh và vui vẻ, sẵn sàng chào đón con yêu của mình!
Nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và nuôi dạy con của các mẹ thông thái Meiji