Cơn gò tử cung là gì và cách đọc chỉ số cơn gò

Cơn gò tử cung là một trong những dấu hiệu đặc trưng giúp mẹ bầu nhận biết quá trình chuyển dạ chuẩn bị diễn ra. Tuy nhiên không phải cơn gò nào cũng báo hiệu sắp chuyển dạ, sinh non hay dọa sảy. Dưới đây Meiji sẽ mang đến cho mẹ bầu kiến thức về những cơn gò tử cung trong thai kỳ và cách đọc chỉ số cơn gò.

Cơn gò tử cung

Cơn gò tử cung là gì?

Cơn gò tử cung là quá trình co thắt – giãn nở của các cơ trong tử cung của mẹ thực hiện. Trong khi tử cung co bóp, mẹ bầu có thể cảm thấy bụng cứng lại và sau đó chuyển trạng thái mềm khi tử cung giãn ra.

Các cơn gò tử cung thường xảy ra gần ngày dự sinh, một số phụ nữ trải qua giai đoạn này sớm, trước tuần 37 của thai kỳ. Tuy nhiên không phải chỉ khi nào sắp chuyển dạ mẹ mới gặp những cơn gò tử cung mà nó có thể đến sớm hơn, từ giai đoạn giữa thai kỳ.

Các cơn co thắt khiến cổ tử cung trở nên giãn nở hoặc mở ra để sinh con. Chúng cũng giúp đẩy em bé xuống khung chậu của mẹ trong quá trình chuyển dạ và kết hợp cùng lúc cơn co tử cung cùng với sức rặn của mẹ sẽ đẩy em bé ra ngoài.

Trong thai kỳ, sản phụ có thể gặp một số cơn co thắt tử cung, tuy nhiên để xác định mẹ bầu sắp chuyển dạ hay không, bác sĩ sẽ khám và đánh giá dựa trên nhiều yếu tố để xác định chuyển dạ giả hay chuyển dạ thật.

Các loại cơn gò của mẹ bầu

Cơn gò sinh lý (cơn gò Braxton-Hicks)

Cơn gò tử cung sinh lý hay còn gọi là cơn gò Braxton-Hicks thường bắt đầu khi thai nhi được 4 tháng tuổi và tiếp tục cho đến khi em bé chào đời. Các cơn gò sinh lý xảy ra không thường xuyên, nhưng vẫn xuất hiện với tần suất thấp.

Thông thường, mẹ bầu không cảm thấy quá đau khi cơn gò sinh lý xuất hiện, mỗi cơn gò chỉ kéo dài trong vài giây. Tuy nhiên, mẹ bầu phải đối mặt với tình trạng khó chịu, đặc biệt là vùng bụng dưới lúc nào cũng căng tức.

Nếu để ý, mẹ bầu sẽ thấy mức độ đau thường kéo dài chứ không tăng lên. Đặc điểm này giúp chúng ta phân biệt các loại cơn gò tử cung.

Nhiều chị em phụ nữ thắc mắc các cơn gò thường xảy ra khi nào? Trên thực tế, cơn gò Braxton-Hicks thường xảy ra khi bà bầu mệt mỏi do vận động quá nhiều hoặc khi bà bầu phải đứng trong thời gian dài. Để giảm bớt các triệu chứng do gò sinh lý gây ra, chị em chỉ cần dành thời gian nghỉ ngơi, thay đổi tư thế, không đứng hoặc ngồi lâu.

Các cơn gò tử cung có thể gây khó chịu cho mẹ bầu

Các cơn gò tử cung có thể gây khó chịu cho mẹ bầu

Cơn gò sinh non

Thông thường, một thai kỳ bình thường sẽ kéo dài khoảng 40 tuần. Các cơn co thắt bắt đầu trước 37 tuần có thể là dấu hiệu cảnh báo chuyển dạ sớm. Trẻ sinh non (sinh trước tuần 37 của thai kỳ) có thể gặp vấn đề về sức khỏe. Do đó, nếu mẹ bầu chưa đến tuần 37 của thai kỳ mà đã có dấu hiệu hoặc triệu chứng chuyển dạ sinh non, hãy liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn và hạn chế các nguy cơ khi mang thai.

Cơn gò chuyển dạ sinh non thường dẫn đến những thay đổi ở cổ tử cung, bao gồm cổ tử cung mỏng đi và cổ tử cung giãn nở ra. Các dấu hiệu và triệu chứng của cơn gò sinh non có thể bao gồm:

  • Đau quặn bụng với mức độ nhẹ, một số mẹ bầu có thể kèm theo tiêu chảy
  • Thay đổi loại tiết dịch âm đạo
  • Cảm thấy có áp lực vùng chậu hoặc vùng bụng dưới
  • Đau lưng liên tục, ít, âm ỉ
  • Các cơn co thắt có thể xuất hiện thường xuyên hoặc không, có thể gây đau
  • Vỡ ối sớm

Cơn gò chuyển dạ

Khi em bé chuẩn bị chào đời, tử cung sẽ co bóp tạo ra các cơn gò tử cung để đẩy em bé ra ngoài. Những cơn gò này có xu hướng tăng dần cường độ, thời gian và khoảng cách giữa các cơn gò.

Các giai đoạn của cơn gò chuyển dạ

Các giai đoạn của cơn gò chuyển dạ

Cơn gò lúc chuyển dạ được chia thành 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn chuyển dạ sớm: Những cơn gò này thường nhẹ, mẹ bầu chỉ cảm thấy tử cung hoặc bụng dưới bị căng cứng. Mỗi cơn gò kéo dài 30 – 90 giây, lặp đi lặp lại khoảng 5 phút, sau đó tăng dần thời gian và cường độ. Trong giai đoạn này, mẹ bầu cũng nên chú ý đến những dấu hiệu chuyển dạ như tình trạng rỉ nước ối, ra dịch nhầy màu hồng,…
  • Giai đoạn chuyển dạ thực sự: Lúc này, các cơn gò xuất hiện nhiều hơn, lâu hơn và dày hơn so với giai đoạn trước. Khi chuyển dạ, cổ tử cung sẽ giãn ra khoảng 4-10cm để chuẩn bị cho em bé chào đời. Các cơn gò gây đau cứng bụng và lưng, chị em mang thai có thể bị chuột rút ở chân. Khi thai phụ thấy cơn gò tử cung kéo dài từ 45-60 giây, tần suất lặp lại khoảng 3-5 phút/lần thì nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Thậm chí có thể cơn gò xuất hiện nối tiếp nhau, chồng lên nhau để đẩy thai nhi ra ngoài.

Cơn gò tử cung như thế nào là nguy hiểm với mẹ bầu?

Nhiều mẹ bầu sẽ cảm thấy lo lắng khi những cơn gò tử cung khiến vùng bụng bị căng cứng đột ngột. Tuy nhiên, hiện tượng này là bình thường và không nguy hiểm như mọi người vẫn nghĩ. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần chú ý theo dõi, bởi các cơn gò có thể trở nên nguy hiểm nếu đi kèm với những dấu hiệu sau:

  • Tần suất và cường độ của cơn gò tăng dần và xuất hiện thường xuyên.
  • Cơn gò không giảm dù mẹ đã thay đổi tư thế và nghỉ ngơi.
  • Cơn gò tần suất thường xuyên ở giai đoạn giữa của thai kỳ.
  • Cơn co tử cung xuất hiện dồn dập kéo dài vài phút kèm theo đau bụng, nôn mửa và nhức lưng dữ dội. Đây là dấu hiệu sảy thai hoặc đẻ non.
  • Nếu thấy tử cung co thắt lúc mạnh, lúc yếu không theo quy luật, em bé không cử động và bụng nhỏ dần, có thể thai đã chết lưu.
  • Cơn co tử cung xuất hiện cùng dịch âm đạo chảy nhiều bất thường, có thể thai phụ đã bị vỡ ối hoặc rách nhau thai. Bạn cần đến bệnh viện ngay nếu không sẽ nguy hiểm cho tính mạng của cả hai mẹ con.
  • Tử cung co thắt không theo quy luật, kèm theo máu âm đạo nhưng không đau. Lúc này, có thể nhau thai đang nằm sai vị trí và mẹ bầu cần đi cấp cứu ngay.
  • Tử cung trương to và cứng, ấn vào thấy đau kèm theo những cơn co thắt không theo quy luật, hoa mày chóng mặt, nôn mửa nhiều. Rất có thể nhau thai đã rụng sớm gây nguy hiểm cho mẹ và bé.

Hãy đến ngay cơ sở y tế nếu gặp biểu hiện nguy hiểm mẹ nhé

Hãy đến ngay cơ sở y tế nếu gặp biểu hiện nguy hiểm mẹ nhé

Nếu có các biểu hiện nguy hiểm trên, mẹ nên tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe và có hướng xử lý kịp thời.

Một số lưu ý cho mẹ bầu

  • Cần nắm rõ dấu hiệu chuyển dạ để đến bệnh viện kịp thời.
  • Phân biệt được rỉ ối và chảy dịch âm đạo để xử trí kịp thời, đề phòng trường hợp sinh non, thai chết lưu hay suy thai.
  • Mẹ cần theo dõi lượng nước ối thường xuyên, liên tục.
  • Nếu trong 3 tháng cuối thai kỳ mẹ bị chảy máu thì cần cấp cứu ngay để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho cả hai mẹ con.
  • Theo dõi cân nặng của em bé trong 3 tháng cuối thai kỳ để đánh giá sự phát triển cũng như tiên lượng những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình sinh.
  • Cần biết cách phân biệt cơn gò sinh lý, cơn gò chuyển dạ hay hiện tượng thai máy để có thể đến viện kịp thời trong trường hợp khẩn cấp.
  • Lưu ý quan trọng đó mà mẹ bầu cần thăm khám định kỳ đều đặn để được bác sĩ kiểm tra sức khỏe, chẩn đoán sớm các bất thường về sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.

Hy vọng với những thông tin về cơn gò chuyển dạ ở trên, mẹ bầu sẽ có thêm nhiều kiến thức để nhận biết và an tâm chuẩn bị đầy đủ cả tinh thần lẫn vật chất để vượt cạn thành công và an toàn. Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh nhé!

Mẹ thông thái Meiji

Nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và nuôi dạy con của các mẹ thông thái Meiji

Dấu hiệu chuyển dạ (sắp sinh) trước 2 ngày chính xác mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý

Giúp mẹ phát hiện sớm bệnh nấm miệng ở trẻ sơ sinh và cách phòng ngừa

Có thể bạn muốn xem

Nhắn tin cho Meiji
Mua ngay sản phẩm chính hãng Meiji